(kontumtv.vn) – UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Chỉ thị 07, ngày 10/6/2020 về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tập trung tái cơ cấu lại một số loại cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của thị trường; tiếp tục hướng dẫn, vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường nội địa, tạo đầu ra cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, thúc đẩy cho vay mới để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trở lại; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Chỉ thị 11, ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động liên hệ với doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp đang gặp phải, kịp thời tháo gỡ hoặc tham mưu UBND tỉnh giải quyết; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án; giảm tiền thuê đất năm 2020 cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất.
Ngân hàng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp
Về điều hành thu, chi ngân sách địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan thuế, hải quan, tài chính, kho bạc nhà nước, UBND các huyện, thành phố tập trung hướng dẫn chính sách mới về tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; thống kê danh sách người nộp thuế và doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp để theo dõi, đôn đốc đơn vị nộp thuế kịp thời vào sau khi hết thời gian được giãn nộp; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu số nợ thuế đến 31/12/2020 không quá 5% so với số thực thu ngân sách nhà nước năm 2020. Sở Tài chính cần tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cấp thiết trong dự toán giao đầu năm như kinh phí đối ngoại, hội nghị, hội thảo, xúc tiến đầu tư, thương mại, mua sắm tài sản có giá trị lớn chưa thực sự cấp thiết, các nhiệm vụ chi thường xuyên chưa cấp bách … đồng thời dành 50% dự phòng ngân sách để cân đối thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đối với các huyện, thành phố, cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách cấp huyện, điều hành chi phù hợp trong dự toán được giao, tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách địa phương giảm. Các sở, ban ngành, chủ đầu tư và các địa phương trong tỉnh cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những giải pháp về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020; tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng, tăng nhanh khối lượng thực hiện để đủ điều kiện giải ngân vốn, đặc biệt là các công trình trọng điểm của tỉnh.