Ngày 12 tháng 7 năm 2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 238/TB-VPCP: Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:
Trong gần 3 tháng vừa qua, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt và duy trì được kết quả phòng chống dịch bệnh rất tích cực và đáng ghi nhận. Xã hội đã trở lại trạng thái bình thường mới; không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng; 95% số người nhiễm bệnh đã khỏi bệnh và không có ca nào tử vong; đã thực hiện 55 chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước an toàn...
Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường và đang bùng phát dữ dội ở nhiều nơi. Các cơ quan chức năng như y tế, quân đội, công an... cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện mới; không để xảy ra lây lan trong cộng đồng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, nhất là tại các tuyến đường mòn, lối mở, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh không đúng quy định... đồng thời lưu ý một số nhiệm vụ sau:
1. Nhu cầu nhập cảnh Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia và lưu học sinh nước ngoài... đang tăng rất mạnh. Quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện đáp ứng tối đa nhu cầu chính đáng và thiết thực này theo thứ tự ưu tiên phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, cách ly trong nước.
Trước mắt, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, chỉ đạo Việt Nam Airlines khẩn trương tổ chức đưa số công dân Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước trong thời gian sớm nhất.
2. Tiếp tục thực hiện kịp thời việc cho phép nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao, học sinh và sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam được nhập cảnh Việt Nam. Cho phép người thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) của các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, chuyên gia được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Thực hiện xét nghiệm nhanh, cách ly phù hợp đối với từng loại đối đối tượng nhập cảnh, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
Bộ Y tế khuyến cáo, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp đối với các đối tượng nhập cảnh.
Bộ Công an tiếp tục chuẩn hóa quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch của Bộ Y tế và phù hợp với các đối tượng nhập cảnh này.
3. Về cách ly y tế:
- Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ, phân công cụ thể tổ chức mở rộng cách ly tập trung (thêm ít nhất 10.000 chỗ).
- Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đầu mối quản lý cách ly, kiểm tra, giám sát thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch tại các khu cách ly, kể cả cách ly tại các cơ sở lưu trú, khu cách ly dân sự.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cho Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế danh sách các cơ sở lưu trú được huy động làm cơ sở cách ly dân sự, kể cả dùng để cách ly các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sớm có biện pháp sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ thực hiện việc cách ly trên địa bàn.
- Bộ Y tế có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mở tài khoản tiếp nhận kinh phí hỗ trợ thực hiện công tác cách ly tập trung.
4. Về việc mở các chuyến bay quốc tế:
- Đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc; tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do nhà chức trách hàng không Việt Nam và Trung Quốc thống nhất.
- Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan làm việc với các nước về tăng các chuyến bay cứu hộ, mở các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các nước; tổ chức đón công dân Việt Nam tại các điểm trung chuyển lớn các chuyến bay quốc tế, trong đó có các điểm như Xơ-un (Hàn Quốc), Tô-ky-ô (Nhật Bản), Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Ph-nôm Pênh (Campuchia).
Bộ Ngoại giao thông tin cho công dân Việt Nam ở nước ngoài các điểm trung chuyển đón công dân về nước.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường đại học, nhất là các trường có liên kết đào tạo với nước ngoài, chất lượng cao để có phương án tiếp nhận học sinh, sinh viên về học tại Việt Nam khi có nhu cầu; thực hiện việc đón học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam, ưu tiên từ Lào, Campuchia.
6. Các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí tiếp tục việc thông tin, truyền thông về việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước và cho phép các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao nhập cảnh làm việc tại Việt Nam với phương thức cách ly phù hợp, linh hoạt, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương chỉ đạo, đưa nhanh công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nhu cầu của các quốc gia nhất là ở những nơi có kết quả tốt trong phòng, chống dịch COVID-19.
8. Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cụ thể hóa kết luận của Thủ tướng Chính phủ, tích cực xử lý các vấn đề phát sinh về việc đón công dân Việt Nam ở nước ngoài, tiếp nhận các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao vào Việt Nam làm việc.
Tổ 4 cơ quan (Ngoại giao, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải) tiếp tục chỉ đạo giải quyết nhanh, thuận lợi, công khai việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, đưa công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
9. Bộ Y tế có văn bản đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc đầu tư cơ sở sản xuất vắc-xin phòng bệnh COVID-19. Khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, không để lây lan rộng.
10. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung chỉ đạo kích cầu mạnh mẽ du lịch, thương mại; tiếp tục mở rộng, củng cố việc làm việc, học tập, khám chữa bệnh... trực tuyến. Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chỉ đạo thực hiện gói an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp (62.000 tỷ và 16.000 tỷ) bảo đảm đến nhanh người lao động và doanh nghiệp khó khăn.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.