Là yêu cầu của UBND tỉnh tại văn bản số 87/UBND-KGVX sáng 11/1 nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới.
Dừng hoạt động các điểm khai báo y tế
Tại văn bản nêu trên, UBND tỉnh quyết định tạm dừng hoạt động của 6 điểm khai báo y tế phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ 0 giờ ngày 12/1.
Tại các điểm khai báo y tế, UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thu hồi trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế…; tổng dọn vệ sinh, khử trùng trước khi rời khỏi. Các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế… phục vụ diểm khai báo y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nào thì có trách nhiệm bảo quản, tiếp tục sử dụng cho công tác phòng, chống dịch phù hợp khi cần thiết.
Cấp ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các xã, phường, thị trấn tăng cường nâng cao năng lực, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là năng lực xử lý khi có ca bệnh, chùm ca bệnh Covid-19 cộng đồng; vận dụng điều kiện phù hợp tại địa phương để khẩn trương tổ chức giám sát, cách ly F12 tại nhà; tổ chức tốt việc cách ly điều trị F0 tại nhà theo chủ trương để quản lý nguy cơ và kiểm soát dịch hiệu quả.
Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm cao nhất trong công tác phòng, chống dịch; huy động cả hệ thống chính trị, tất cả các lực lượng trên địa bàn quản lý để kiểm soát dịch quy mô toàn xã đến quy mô nhỏ nhất có thể như thôn, xóm, cụm dân cư… nhằm phát hiện dịch bệnh kịp thời, ngăn chặn lây lan, bùng phát diện rộng.
Thông báo rộng rãi và yêu cầu người đến/về địa bàn phải khai báo y tế bắt buộc, nhất là thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; phân công 1 lãnh đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp xã phụ trách nội dung này để chỉ đạo trực tiếp, đảm bảo không bỏ sót việc khai báo y tế và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp cho từng đối tượng; huy động Đoàn thanh niên xã, phường, thị trấn phối hợp với trạm y tế, kết nối với Công an xã, tổ công tác cộng đồng phòng, chống dịch giám sát, phân loại khai báo y tế, áp dụng biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Phát huy vai trò chính quyền cơ sở
UBND cấp xã phải xây dựng phương án cụ thể xử lý ca, chùm ca Covid-19 cộng đồng và tổ chức diễn tập phù hợp; có phương án quản lý người đến/về địa bàn của mình theo quy mô nhỏ nhất có thể như thôn, xóm, cụm dân cư… để phát huy mạnh mẽ vai trò tổ cộng đồng trong phòng, chống dịch.
Chỉ đạo Công an xã, tổ cộng đồng hàng ngày thường xuyên kiểm tra, rà soát trên địa bàn để phát hiện ngay người đến/về địa bàn để nhắc nhở khai báo y tế, quản lý, áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; quản lý di biến động dân cư trên địa bàn quản lý; lập, quản lý danh sách người đến/về địa bàn; kiểm soát phương tiện giao thông vào địa bàn đảm bảo phòng, chống dịch, đặc biệt là các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Chủ trì, kích hoạt ngay các tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng khi có trường hợp F0 cách ly điều trị tại nhà; chăm lo, đảm bảo đời sống, tinh thần, an sinh xã hội, xử lý rác thải nghi nhiễm và giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly điều trị F0 tại nhà đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định, cam kết.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế, huy động nhân lực hỗ trợ và đảm bảo cơ sở, cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện… theo quy định cho hoạt động của trạm y tế lưu động; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ để trạm hoạt động được ngay khi được kích hoạt.
Chỉ đạo Đoàn thanh niên phối hợp với trạm y tế thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ, chăm sóc, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà kịp thời; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người bệnh Covid-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị kịp thời.
Chủ động rà soát, đánh giá cấp độ dịch của địa bàn mình theo quy định; áp dụng hoặc đề xuất áp dụng theo thẩm quyền các biện pháp hành chính phù hợp với cấp độ dịch đảm bảo kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Tăng cường vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân đến các điểm tiêm để được tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ nhân lực, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và đảm bảo phòng chống dịch cho các điểm tiêm vắc xin. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm nếu đểngười dân trên địa bàn không được tiêm hoặc không tiêm vắc xin; có vắc xin nhưng người dân không đến tiêm và không đạt tỷ lệ tiêm theo quy định.
Khuyến khích UBND các xã, phường, thị trấn; các thôn, xóm, cụm dân cư áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 sáng tạo, linh hoạt, phù hợp thực tiễn, đảm bảo phòng, chống dịch; đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn, sinh hoạt, lao động, làm việc, sản xuất của người dân trên địa bàn.
Kuyến khích các thôn, tổ, xóm, cụm dân cư… thành lập các Tổ liên gia phòng, chống dịch Covid-19 hoạt động với hình thức tự nguyện để phòng, chống dịch Covid-19; khuyến khích người dân tự xét nghiệm Covid-19 trước và sau khi di chuyển đến địa bàn có ca cộng đồng hoặc bất cứ khi nào có bất thường về sức khỏe nghi mắc Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện và cao nhất về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Lãnh đạo, chỉ đạo việc khẩn trương tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tại các xã/phường/thị trấn; phân công cụ thể cấp ủy viên, lãnh đạo UBND, thành viên Ban Chỉ đạo cấp huyện trực tiếp chịu trách nhiệm toàn diện, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở và hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống dịch tại các xã, phường, thị trấn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, sát với thực tiễn phòng chống dịch tại các xã, phường, thị trấn đảm bảo kiểm soát dịch bệnh quy mô nhỏ nhất có thể như thôn, xóm, cụm dân cư… Huy động các lực lượng chức năng và chỉ đạo quyết liệt với trách nhiệm cao nhất, kịp thời kiểm soát dịch bệnh ngay khi phát hiện ca bệnh cộng đồng đầu tiên, quyết tâm khống chế ổ dịch, không để ổ dịch lan rộng bùng phát trong cộng đồng.
Tuyệt đối không để thiếu thuốc chữa Covid-19
Sở Y tế tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm; đảm bảo vật tư, hóa chất, sinh phẩm… kịp thời cho công tác xét nghiệm và phòng, chống dịch nói chung; không để chậm trễ xét nghiệm.
Tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở; đảm bảo sẵn sàng, đầy đủ trang thiết bị thiết yếu cho phòng, chống Covid-19, trang thiết bị khám chữa bệnh thông thường, danh mục thuốc cho hoạt động của trạm y tế lưu động theo quy định của Bộ Y tế; tuyệt đối không để thiếu thuốc hoặc người bệnh Covid-19 không liên hệ được với cơ sở y tế.
Chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phát hiện các trường hợp nguy cơ cao với Covid-19; xử lý khi có ca bệnh, chùm ca bệnh Covid-19 cộng đồng cho UBND các xã, phường, thị trấn; hướng dẫn kiểm tra, phân loại khai báo y tế và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng đối tượng.
Tăng cường năng lực thu dung, điều trị, cấp cứu cho các trường hợp mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị; đảm bảo đáp ứng với khả năng bùng phát dịch cộng đồng, hạn chế thấp nhất số bệnh chuyển nặng và tử vong.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các địa phương, cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các nội dung thuộc nhiệm vụ được giao trong phòng, chống dịch, không bỏ sót đối tượng; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho công tác phòng chống dịch.
Thiết lập hệ thống truy vết phòng, chống dịch Covid-19 song song với hệ thống truy vết ngành Y tế để phối hợp kịp thời với ngành Y tế và các lực lượng khác đảm bảo truy vết khẩn trương, thần tốc các trường hợp tiếp xúc, không bỏ sót các mốc dịch tễ, các đối tượng tiếp xúc; chú ý tiến hành điều tra dịch tễ lại ngay các trường hợp F0 cộng đồng để đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiếp xúc hoặc mốc dịch tễ.
Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp đoàn thanh niên tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19; thiết lập hệ thống hỗ trợ, chăm sóc, tư vấn cho các trường hợp F0 cách ly điều trị tại nhà kịp thời để hỗ trợ cho ngành Y tế và chính quyền địa phương.
Tăng cường truyền thông phòng, chống dịch hiệu quả.
Tiểu ban Truyền thông của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tăng cường tổ chức truyền thông sâu rộng, phù hợp để mỗi người dân, mỗi hộ gia đình hiểu, nhận thức và tham gia, chấp hành, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch; coi đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng; tự giác khai báo y tế khi đến/về địa bàn hoặc khi có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định.
Khuyến khích tự xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm và khi có triệu chứng Covid-19 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp) cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.
Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chủ động chỉ đạo, hỗ trợ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường công tác truyền thông nâng cao trách nhiệm phòng, chống dịch của người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng.