(kontumtv.vn) – Sau một thời gian dài tạm nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông (Kon Tum) đang bước vào giai đoạn quan trọng trong công tác dạy và học của chương trình học kỳ II, nhằm đảm bảo cho các em học sinh nắm được lượng kiến thức cơ bản của chương trình học, đáp ứng được yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông nói chung và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nói riêng.
Để đảm bảo cho các em học sinh nhà trường, nhất là khối 12 không bỏ quên kiến thức trước đó, trong thời gian tạm nghỉ học vì dịch, Trường PTDTNT huyện Kon Plông đã phân công các thầy, cô giáo bộ môn tăng cường dạy học trực tuyến và thông báo lịch tự học trên truyền hình. Tuy nhiên, do điều kiện vùng sâu vùng xa còn khó khăn nên việc học tập của các em học sinh vẫn chưa thật hiệu quả. Em Y Lý Ly, học sinh lớp 12B, Trường PTDTNT huyện Kon Plông cho biết: “Nhà trường có 5 lượt phát đề cương cho bọn em ôn tập và bọn em cũng có học trực tuyến, nhưng mạng có khi yếu với chập chờn thì bọn em không thể tiếp thu được hết các bài, các trọng tâm trong bài học. Khi đi học lại thì bọn em mong muốn là giáo viên bộ môn sẽ cung cấp, bổ sung kiến thức cho bọn em về các môn xã hội như Văn, Sử, Địa để bọn em có thể làm bài tốt trong kỳ thi sắp tới”.

Thầy giáo Bùi Văn Quế, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Kon Plông cho biết thêm, để đạt được mục tiêu hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học 2019 – 2020, ngay trước khi cho các em học sinh của trường đi học trở lại, nhà trường đã chủ động chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng lại kế hoạch dạy học, điều chỉnh nội dung học tập học kỳ II của cả 2 cấp học theo Hướng dẫn tinh giản của Bộ GD&ĐT: “Nhà trường chỉ đạo cho giáo viên bộ môn là tổ chức cho học sinh ôn tập các kiến thức mà học sinh đã được tiếp thu trong đợt nghỉ dịch. Bên cạnh đó thì nhà trường có tăng cường công tác phụ đạo, có nghĩa là nhà trường sẽ tăng số tiết phụ đạo của một số môn cơ bản, ví dụ như Toán, Văn, Tiếng Anh mỗi bộ môn là một tiết. Phân công thêm là giáo viên có kinh nghiệm, giáo viên giảng dạy các bộ môn ôn thi tốt nghiệp, thì mỗi một buổi tối có ít nhất từ 2 – 3 giáo viên sẽ trực tiếp vào lớp và hướng dẫn cho các em ôn tập, đồng thời giải đáp các thắc mắc mà các em học vào ban ngày”.
Là huyện vùng núi khó khăn, đa số học sinh ở Kon Plông thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, do đó các em không có điều kiện để học trực tuyến. Để đảm bảo mục tiêu giáo dục của năm học, các đơn vị trường học đã có kế hoạch tăng cường ôn tập chương trình cơ bản dể các em học sinh nhanh chóng theo học chương trình giảm tải. Thầy Hoàng Ngọc Đặng – Hiệu trưởng Trường THCS Măng Đen, huyện Kon Plông nói: “Nhà trường cũng đã chỉ đạo giáo viên bộ môn là trong các tiết dạy, khi bước vào học tập chính thức thì giáo viên sẽ quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng đó và nếu như có thể được trong một thời gian sớm, dịch bệnh có thể giảm đi thì nhà trường sẽ bồi dưỡng riêng cho các đối tượng học sinh này. Và làm sao đó để cho các em học sinh phải đảm bảo đủ kiến thức, tránh việc không đủ kiến thức mà không dám đến trường”.
Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông cho biết thêm, để giảm bớt áp lực cho các em học sinh trong học kỳ II, song vẫn giúp các em có đủ kiến thức có thể học tập cho những năm học tiếp theo, ngành đã chỉ đạo các trường thực hiện việc dạy và học theo hướng dẫn tinh giản của Bộ GD&ĐT đối với từng môn học, từng lớp học, từng cấp học. Bởi đây là giải pháp phù hợp và cấp thiết đối với tất cả các địa phương hiện nay: “Các em nghỉ học trong thời gian dài thì lượng kiến thức đó Phòng sẽ chỉ đạo các trường lồng ghép vào các tiết dạy học chính khóa và đồng thời đẩy mạnh việc học tập qua internet đối với các trường thuận lợi. Đối với các em học sinh là người DTTS ở vùng sâu vùng xa thì chúng tôi chỉ đạo cho các trường lồng ghép kiến thức cũ vào các tiết học chính khóa. Đồng thời kết hợp với việc dạy học 2 buổi/ngày theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy”.
Ngoài dạy học theo chương trình giảm tải cho các em học sinh, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Kon Plông cần bố trí thời gian ôn tập, củng cố kiến thức phù hợp, song song với việc dạy học, thực hiện các bài kiểm tra định kỳ. Đồng thời khuyến khích, vận động học sinh tự giác, chủ động trong học tập tại nhà và tại trường để đáp ứng được yêu cầu mục tiêu đầu ra chương trình năm học.